Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong Tuyên ngôn.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong Đường kách mệnh, trong Chánh cương vắn tắt, trong Luận cương chính trị, trong các văn kiện khác của Đảng cũng như của Mặt trận Việt Minh. Và là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta.
Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do; là thành quả, sự hi sinh, sức mạnh của toàn thể nhân dân. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân rất sâu sắc, thật sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”. Vì vậy, bản Tuyên ngôn Ðộc lập đã khẳng định tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do hạnh phúc cho nhân dân. Nghĩa là, giành độc lập là để dân làm chủ, để xây dựng chính quyền cách mạng mới của nhân dân, xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc.
Với Tuyên ngôn Độc lập, một nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh tiếp tục hướng đến tương lai tươi sáng, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng” để trong hành trình cách mạng luôn “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”, coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất. Điều này có ý nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ là thù địch nhưng công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn còn trực tiếp tạo ra chỗ dựa đáng tin cậy cho cuộc cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia anh em và góp phần làm thay đổi cục diện chính trị ở Ðông Nam Á. Nó cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Điều này khẳng định rằng cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới . Vì vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ việc khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập một lần nữa khẳng định ý chí không gì lay chuyển; khẳng định triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đang phấn đấu, rằng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Giá trị chính trị
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 có giá trị chính trị rất lớn, vì nó là kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, đã giải phóng đất nước từ ách nô lệ của thực dân phong kiến, thiết lập một chính quyền cách mạng mới do nhân dân làm chủ. Bản Tuyên ngôn độc lập đã công bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, có quan hệ bình đẳng với các quốc gia khác. Bản Tuyên ngôn cũng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng và xây dựng đất nước. Bản Tuyên ngôn đã tạo ra một sức hút mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc khác trong khu vực và thế giới, góp phần vào sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Giá trị tư tưởng
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 có giá trị tư tưởng cao, vì nó là sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với các giá trị của chủ nghĩa dân chủ và nhân quyền của nhân loại. Bản Tuyên ngôn đã trích dẫn tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của nước Pháp, khẳng định một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bản Tuyên ngôn cũng đã tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền dân chủ và quyền xã hội của nhân dân Việt Nam, đặt ra những mục tiêu cao đẹp cho sự phát triển của đất nước: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước dân chủ nhân dân, do nhân dân cai trị, cho nhân dân phúc lợi và do nhân dân bảo vệ”. Bản Tuyên ngôn cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hòa bình với các quốc gia và các dân tộc trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ và công nhận của các nước bạn: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi muốn là bạn với các nước trong Liên Hiệp quốc, thậm chí là bạn với các nước đã chiến tranh với chúng tôi”. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện một cách đầy đủ về sự sáng suôt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khả năng dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giá trị pháp lý
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội, có giá trị pháp lý vững chắc, vì nó là một văn bản pháp lý quốc tế, được công bố trước toàn thế giới, khẳng định quyền tự quyết và chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đã cung cấp các cơ sở pháp lý cho việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban hành Hiến pháp năm 1946 và các văn bản pháp luật khác. Bản Tuyên ngôn cũng đã làm rõ các nguyên tắc pháp lý căn bản của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như: pháp luật là biểu hiện ý chí của nhân dân; Nhà nước phải tuân theo pháp luật; Nhà nước phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Nhà nước phải thực hiện chính sách đối ngoại hữu nghị và hòa bình. Bản Tuyên ngôn cũng đã làm cơ sở cho việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biên giới với các nước láng giềng, bảo vệ chủ quyền biển đảo và lãnh hải của Việt Nam.
Ý nghĩa thời đại
Tuyên ngôn độc lập có nội dung ngắn gọn, cô đúc nhiều tư tưởng, trong đó các quyền dân tộc cơ bản vượt qua thời gian và không gian. Nó không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà là một xu thế tất yếu của thời đại. Tuyên ngôn độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do.
79 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và những giá trị trường tồn, ý nghĩa thời đại thể hiện khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, khẳng định đanh thép về quyền con người, quyền dân tộc. Và giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn vang vọng đâu đây: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Trong điều kiện mới, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa." Với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng là "bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc". Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới cả bề rộng và chiều sâu với một trình độ và chất lượng mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất."
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, cho đến khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), tình hình thế giới sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi rất nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng chắc chắn giá trị tư tưởng trong bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ luôn là kim chỉ nam cho con đường cách mạng Việt Nam.